Mặc dù Frank Lloyd Wright đã thiết kế những công trình vào loại đẹp nhất thế giới thế kỷ 20 nhưng cuộc sống riêng tư của ông lại đầy tai tiếng. Nhân kỷ niệm 50 năm ngày mất của ông, Kienviet mời các bạn đọc câu chuyện về vị kiến trúc sư có thể nói là nhiều xì-căng-đan nhất thế giới này.
Hài cốt bị tranh cướp sau khi chôn 26 năm

Tháng 3/1985: Một ngôi mộ trong một nghĩa trang rêu phong và tối tăm gần Spring Green, Wisconsin, được mở ra lặng lẽ. Những gì ở trong đó đã được dời đi và ngôi mộ lại được vùi xuống đất.
Chỉ một số người mới biết thi hài của kiến trúc sư vĩ đại người Mỹ- Frank Lloyd Wright, đang bị đưa ra khỏi nơi an nghỉ của ông trong hơn 25 năm qua để được hoả táng tại Madison gần đó.
Các loại giấy tờ yêu cầu khai quật đã được ký bởi con gái Iovanna Wright, và bà vợ thứ ba của ông, Olgivanna. Bà mong muốn khi chết đi tro bụi thi thể của hai người sẽ được trộn lẫn và mai táng tại Tây Taliesin, ngôi nhà mùa đông của họ tại Arizona cách đó gần 2000 dặm..
“Cướp mộ” là những gì mà David, con trai của Wright đã gọi khi anh ta phát hiện ra sự việc này. Sau khi tin tức này được công bố rộng rãi, quan chức địa phương đã viết thư tới Arizona yêu cầu chính quyền để nguyên mọi thứ như cũ.
Llewellyn, một người con trai khác của Wright đã mô tả hành động này như một sự báng bổ: “Người ta đã lấy đi khỏi Wisconsin nhiều hơn những gì được gọi là tro cốt, những công dân của bang đã mất đi một bằng chứng của lịch sử, linh hồn, thiên tài của chúng ta”.
Còn cháu gái ông, Elizabeth Wright Ingraham thì nói: “Tôi đã cố giữ cho mình đứng ở trung lập nhưng tôi nghĩ đó là một sự tính toán lầm lẫn lớn.” Nhưng bà vợ ba vẫn quả quyết để cho tro cốt của Wright vẫn được lưu giữ tại Arizona trong vòng vài năm cho đến khi một khu vườn tưởng niệm được xây xong.
Trường Frank Lloyd Wright
Ngày nay, Tây Taliesin là trụ sở của Trường Frank Lloyd Wright và là điểm thu hút lớn nhất tín đồ các công trình của vị kiến trúc sư tài ba này. Nhưng khu vườn tưởng niệm thì không dành để cho công chúng tham quan và không có một kế hoạch nào để đánh dấu 50 năm ngày mất của Wright vào 09/04 năm nay. Tất cả mọi cuộc thảo luận về việc tro cốt của ông có nên được đem về Wisconsin đều bị xếp xó. Thay vào đó, người ta lại có một ước nguyện lớn hơn thế.
- Trường Tây Taliesin
Phil Allsopp- Giám đốc điều hành người Anh của trường này bắt đầu từ năm 2006 nói: “Chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ và giữ gìn công trình của Wright. Nhưng chúng tôi cũng có vai trò trong các cuộc tranh cãi về tính bền vững của những môi trường vì chính bản thân chúng tôi. Ảnh hưởng của ông lên môi trường của chúng ta hầu như chẳng có gì. Chúng tôi muốn thay đổi điều đó.”

Để chấm dứt điều này, trường kiến trúc do Wright thành lập hiện nay đang đào tạo các khoá cử nhân, thạc sỹ và một trường học mùa hè cho học sinh phổ thông trong khi một cuộc triễn lãm lớn sẽ được mở ở Bào tàng Guggenheim ở New York vào tháng Năm. Ông Allsopp nói: “Làm thế nào mà các công trình có thể hoà hợp với tự nhiên, làm thế nào chúng có thể hoà nhập với phong cảnh này.”
Allsopp tin rằng trường này có thể giống như Harvard hoặc Yale, một tổ chức trí tuệ được biết đến vì chất lượng các ý tưởng hơn là vì những câu chuyện nhạy cảm của con người mà nó được vinh hạnh mang tên. Nhưng việc thoát khỏi cái bóng quá lớn của con người được mô tả “có thể là người Mỹ vĩ đại nhất những năm đầu thế kỷ 20” có vẻ như nói dễ hơn làm.
Frank Wright lập dị và tài năng
Giai thoại bắt đầu từ khi ông còn sống. Ông là một người tự lăng-xê lành nghề, một người luôn đưa mình vào các vụ xì-căng-đan và tận hưởng tiếng tăm rằng ông là nguồn cảm hứng cho “The Fountainhead”, cuốn sách bán chạy nhất của Ayn Rand năm 1943. Nhưng kể từ sau cái chết của ông vào năm 1959 ở tuổi 91, giai thoại này mới được phát triển.
Có những bản lý lịch và hồi ký và những câu chuyện tự sự như “The Fellowship” được “đào sâu” vào những gì mà những người sùng bái Wright xây dựng quanh cuộc đời ông. Các nhà tiểu thuyết cũng trở lại với lãnh địa này và mới đây nhất là cuốn TC Boyle với “Những người phụ nữ”. Nhưng có bất kỳ điều gì trong tiểu thuyết lại kỳ lạ hơn những sự thật dưới đây?

Ông nội Lloyd Jones của Wright là một người truyền đạo đã vượt biển Atlantic năm 1884, mang theo vợ và các con. Gia đình Lloyd Jones định cư ở Helena Valley, một dải đất màu mỡ ở miền Trung Tây gần Chicago. Phong cảnh hùng vĩ tại đây không chỉ có ảnh hưởng xuyên suốt trong các công trình của Wright mà còn là vùng đất của Taliesin, ngôi nhà yêu quý của ông. Sau này ông từng viết: “Tôi đã hướng về khu đồi này ở Valley như trước tôi, ông nội đã hướng về nước Mỹ như một niềm hy vọng và một điểm dừng chân.”
Trường phái hiện đại và phong cách kết hợp tự nhiên
Wright đã tập sự tại các văn phòng kiến trúc Chicago danh tiếng và nhanh chóng ghi dấu ấn của mình. Năm 1889, ở tuổi 22, ông thiết kế và xây dựng một ngôi nhà cho mình và người vợ trẻ Kitty ở Oak Park, một khu ngoại ô mới bên vành đai thành phố. Ngôi nhà này là một ví dụ điển hình cho phong cách Nghệ thuật và Thủ công nhưng nó cũng chẳng dự báo được điều gì hơn về người chủ ngôi nhà sẽ là một kiến trúc sư vĩ đại ngoài việc ông sẽ theo trường phái hiện đại khi thiết kế các công trình.

Tuy nhiên, ngay sau đó, những dấu hiệu báo trước đặc điểm phong cách của Wright xuất hiện. Năm 1893, sau khi bị sa thải vì làm đêm ngoài giờ, ông đã tự mình làm việc độc lập và bắt đầu mở rộng ngôi nhà của mình thành nơi ở của cái gia đình đang lớn dần lên kiêm văn phòng làm việc. Ông đã xây thêm một phòng giải trí có mái vòm hình cái trống với hiệu ứng đặc biệt thông qua một hành lang thấp và tối. Văn phòng của ông là một ngôi nhà một tầng được gợi hứng từ phong cách kiến trúc Nhật Bản. Ông xây văn phòng quanh một cái cây, ví dụ đầu tiên cho thấy ông đã kết hợp tự nhiên vào trong công trình của mình như thế nào. John, con trai ông nhớ lại cuộc sống thời đó: “Ông là một người hóm hỉnh và vui vẻ. Điều đó đã mang lại cho gia đình tôi cảm giác về một lễ hội hoá trang vui nhộn.”
Lập dị trong phong cách ăn mặc
Khi những bản thiết kế của Wright được đưa vào cuộc sống nhiều hơn thì ngoại hình và thái độ của ông đã thay đổi (bản kế hoạch mở và dài hơi “Những ngôi nhà trên thảo nguyên” được thực hiện trong giai đoạn này). Ông bắt đầu chưng diện với những chiếc mũ rộng vành, áo choàng không tay sọc đỏ và một chiếc gậy batoong. Đây là bộ trang phục đã trở thành “thương hiệu” của ông. Một người dân sinh sống tại Spring Green nhớ lại có lần ông bước vào nhà băng trong bộ comple và chiếc mũ cao bồi nhưng lại đi chân trần. Wright nói với người quản lý có đôi mắt to: “Ông có thể ăn mặc như vậy nếu ông không quá câu nệ về hình thức.”

Đón chờ Phần 2: Những mối tình giật gân của KTS Frank Lloyd Wright
- Thanh Huyền (Theo The Independence)