BBT kienviet.net nhận được bài viết này của các anh chị giảng viên khoa Kiến trúc – trường ĐH Khoa học Huế. Chúng tôi trân trọng đăng tải để quý vị độc giả được biết và mong nhận được những góp ý phản hồi của quý vị.
—————————————————————–
Giá trị lịch sử của một cộng đồng, một xã hội, hay một dân tộc thường được lưu giữ khá nguyên vẹn trong các công trình kiến trúc cổ, các đô thị cổ hay các khu phố cổ. Việc giữ gìn và phát huy các giá trị đó trong thời đại hiện nay là một trong những mục tiêu lớn của nhân loại nhằm tạo sự đa dạng trong văn hoá, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi mà hiện tượng đô thị hóa diễn ra hết sức mạnh mẽ ở các nước đang phát triển như Việt Nam.
Ảnh hiện trạng Bao Vinh với sự lộn xộn của kiến trúc, cơ sở hạ tầng và cảnh quan tuyến phố xuống cấp (bên trên) và ảnh sau khi trùng tu (bên dưới)
Nhận thức được vấn đề đó, Khoa Kiến trúc trường Đại học Khoa học Huế đã mạnh dạn đề xuất môn học đồ án Bảo tồn trong hệ thống khung chương trình đào tạo kiến trúc sư. Việc trang bị cho sinh viên các kiến thức về truyền thống và lịch sử qua kiến trúc là tối quan trọng và cần thiết nhằm mang lại nhận thức đúng đắn hơn cho thế hệ kiến trúc sư tương lai của Việt Nam, góp phần vào công cuộc bảo vệ và phát huy các giá trị truyền thống, lịch sử, và bản sắc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước sau này.
Một góc phố cổ Bao Vinh sau khi được trùng tu
Một góc phố cổ Bao Vinh sau khi được trùng tu, nhìn từ phía sông Hương
Một góc phố cổ Bao Vinh sau khi được trùng tu, nhìn từ phía sông Hương
Phố Huỳnh Thúc Kháng sau khi được trùng tu
Với hơn một tháng tìm hiểu và đánh giá các giá trị của những tuyến phố cổ ở Huế qua hiện trạng và các tư liệu lịch sử dưới sự hướng dẫn của các giáo viên giàu kinh nghiệm, các nhóm sinh viên kiến trúc năm thứ 5 đã đề xuất những giải pháp bảo tồn thích nghi mang tính ứng dụng cao. Những không gian phố cổ đặc trưng của Huế như Bao Vinh (thương cảng xưa), Bạch Đằng (phố thị Việt xưa), Huỳnh Thúc Kháng (phố mang nét kiến trúc Pháp), hay Mai Thúc Loan (phố buôn bán lâu đời trong Đại Nội),…như được sống lại và có ‘hồn’ hơn qua các đồ án của sinh viên.
Hiện trạng phố Huỳnh Thúc Kháng
Phố Huỳnh Thúc Kháng sau khi được trùng tu
Bên cạnh đó, những tập quán sinh hoạt truyền thống của Huế xưa còn lại đến ngày nay như gánh bán rong, đạp xích-lô, ăn uống vỉa hè, bán hàng bên lề đường, các ngành nghề thủ công truyền thống,…cũng được các nhóm đề xuất trong đồ án nhằm làm sống lại không chỉ phần xác (công trình kiến trúc) mà còn phần hồn (sinh hoạt người dân) của các tuyến phố. Quan trọng hơn, việc giữ lại một số công trình xây mới sau này với sự chỉnh trang lại mặt đứng và tỷ lệ công trình cho phù hợp với không gian phố cổ đã thể hiện tính thích nghi cao của các đồ án và cũng tuân theo một trong những xu thế mới trong bảo tồn kiến trúc hiện nay, đó là bảo tồn thích nghi.
Hiện trạng phố Bạch Đằng
Phố Bạch Đằng sau khi trùng tu
Có thể nói việc mạnh dạn cho sinh viên tiếp cận thực tế và nghiên cứu đề xuất giải pháp kiến trúc phù hợp là một trong những đổi mới trong phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên trẻ của Khoa Kiến trúc trường Đại học Khoa học Huế nhằm nâng cao chất lượng dạy và học cũng như gắn giáo dục nhà trường với trách nhiệm xã hội.
Nhóm tác giả:
Ths.KTS. Trần Tuấn Anh
Ts.KTS. Đặng Minh Nam
Ths.KTS. Nguyễn Vũ Minh
KTS. Nguyễn Văn Thái
KTS. Nguyễn Quốc Thắng
(G.V Khoa Kiến trúc, Đại học Khoa học Huế)