1.Làng tôi ven sông Hồng, con sông Cái ngàn đời chở nặng phù sa. Tôi sinh ở làng, nhưng lại lớn lên giữa lòng Hà Nội, thành phố thân yêu, nơi tôi gắn bó cả cuộc đời. Thế nhưng, không lúc nào tôi thôi nguôi nỗi nhớ đến day dứt, cồn cào mỗi khi nghĩ về làng.

DSC07788

Năm tháng trôi đi… ký ức về làng cứ dày lên rõ nét, sâu đậm dần như mảnh đất quê hương được bồi đắp phù sa…  Nghề kiến trúc cho tôi cơ hội đi nhiều, đến với nhiều vùng miền, được chứng kiến bao đổi thay lớn lao của đất nước trong thời kỳ Đổi mới. Các khu công nghiệp, khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khu đô thị mới với những chung cư cao tầng hiện đại và cả sân golf nữa… đua nhau mọc lên trên các vùng đất màu mỡ mà cách đây chỉ ít năm thôi là cánh đồng, ruộng lúa một thời trắng cánh cò bay! Vui đấy mà sao cứ chạnh lòng.

IMGP9641

Đất làng giờ không được như xưa, hẹp lắm rồi. Phố  và làng đã sát gần nhau, thậm chí nhiều nơi trở thành Phố-Làng. Người làng, nhất là đám thanh niên trai tráng cứ lần lượt rủ nhau bỏ đất, bỏ quê vào thành phố kiếm ăn. Luỹ tre xanh ngàn đời bao bọc, chở che cho làng trước gió bão, phong ba, trước kẻ thù xâm lấn, là nguồn vật liệu bền bỉ cho làng làm nhà, làm nông cụ, đồ dùng sinh hoạt… giờ xơ xác, đến mẹ con cò lửa cũng bỏ tổ mà đi. Những ngôi nhà truyền thống ba gian hoặc năm gian, hai chái giản dị quay về hướng Nam có hàng hiên rộng với những tấm dại đan bằng tre, ngăn gió lạnh về mùa đông, chắn cái nắng gay gắt mùa hè, nằm yên ả trong một khuôn viên có vườn, ao, có hàng cau vươn cao thẳng tắp, hài hoà với môi trường thiên nhiên trong lành, giờ cái thì liêu xiêu vì chủ nhân không có tiền tu sửa, cái thì biến mất nhường chỗ cho ngôi nhà tầng ngất ngưởng, kiến trúc lai căng, kệch cỡm và xa lạ như chủ nhân của nó!

Làng đang rung lên… run rẩy trước làn sóng ào ạt của đô thị hoá. Ai đó lo xa, cứ đà này chỉ vài chục năm nữa thôi, lũ trẻ thế hệ cháu chúng ta sẽ không còn khái niệm về làng quê nữa. Tất cả sẽ phố hoá hết, đô thị hết. Tôi thảng thốt giật mình!

DSC07786

2. Người Việt ta ngàn đời sống thuỷ chung với cây lúa, gọi hạt gạo trắng ngần là ngọc thực. Cây lúa sản sinh ra nền “ văn minh lúa nước” và làng là nơi chốn đầu tiên để tổ tiên cư ngụ, sau những đêm dài nguyên thuỷ mông muội. Làng có trước, Nước có sau, vì thế mới nói “ Làng- Nước” là vậy!

Trên trái đất này chẳng đâu có cấu trúc làng giống như làng Việt mình. Đây là nơi chốn sống quần tụ của họ hàng, dòng tộc. Nước có phép vua, làng có  lệ của làng được thể chế hoá bằng hương ước. Lối sống cộng đồng, trọng tình hơn lý, tắt lửa tối đèn có nhau… tạo nên văn hoá làng đầy tính nhân bản. Và kiến trúc làng cũng thấm đẫm văn hoá ấy. Trong làng có đình, chùa, đền, miếu là những công trình tôn giáo tín ngưỡng. Trong đó, đình là kiến trúc đặc sắc nhất. Đây là nơi thờ Thành hoàng làng, là ông tổ nghề, là người khai sáng ra làng, hay là người có công với nước được làng tôn vinh. Đình được cất trên khu đất rộng, cao ráo, là nơi diễn ra các hoạt động mang tính cộng đồng của làng. Trong khuôn viên đình có sân đình, giếng đình và cây cổ thụ.

IMGP9660

Với nghệ thuật chạm khắc tinh xảo, độc đáo trên các hệ vì, bẩy, kẻ…Với hệ mái xoải rộng, lợp ngói mũi hài, tàu đao uốn cong như bàn tay múa…Với kỹ thuật dựng lắp điêu luyện… Đình thực sự là công trình kiến trúc tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc cổ truyền Việt. “ Ra đình ngả nón trông đình/ Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu”. Những câu dân ca như thế cứ ngọt ngào trong lời ru của mẹ, của bà thấm đẫm tuổi thơ tôi. Biết bao đời người từ làng ra đi và trở về, cổng làng là nhân chứng. Cái cổng làng bình dị xây bằng đá ong hay gạch, với vữa vôi trộn mật mía kia là dấu ấn chẳng dễ phai mờ trong lòng người đi xa…Rồi con đường làng lát gạch ngiêng hình mu rùa, nơi in dấu chân người và cả dấu chân trâu, tảo tần sớm hôm một cuộc đời thanh bần, lam lũ. Tất cả, tất cả… đã trở thành kỷ niệm, thành ký ức, thành quá khứ, thành “ hồn vía” của đời người- đời làng!

IMGP9686 1


3. Tôi lại thảng thốt nghe ở đâu đây, một vùng quê nào đó đã trở thành sân golf, thành khu đô thị. Nhiều làng đã lại thành phố. Vẫn biết rằng, tương lai của loài người trong thế kỷ này là hầu hết sống trong đô thị. Việt Nam cũng thế. Đó là quy luật tất yếu của sự phát triển. Thế nhưng, rồi sẽ ra sao khi luỹ tre ngàn đời thuỷ chung kia cùng với cái cổng làng, mái đình, cây đa, ngôi nhà nông thôn truyền thống … không còn nữa. Khi ấy, ký ức về nơi chốn, về kỷ niệm không còn, và “ hồn vía” của làng xưa cũng bay đi mất… Chỉ còn lại trong ta điệu chèo buồn và tiếng lòng da diết gọi: “ Làng ơi!” ./.

Tác giả:  KTS Phạm Thanh Tùng- Hội Kiến trúc sư Việt Nam

Bình luận từ Facebook
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
36 head
Phỏng vấn Koen Olthius của WaterStudio.nl

Kiến trúc sư Koen Olthuis của Waterstudio.nl được Inhabitat đánh giá là kiến trúc sư ngoại lệ, người đi mở Read more

58 head
Vật liệu trồng cỏ sân để xe

Bạn đã bao giờ muốn trồng cỏ ở khu vực cua xe ô tô vào nhà, nhưng bạn lại không Read more

317 head
Nhà thông minh của Honeywell lần đầu đến Việt Nam

Hệ thống hoạt động dựa trên web được điều chỉnh theo yêu cầu có khả năng kết nối được với Read more

363 head
Phỏng vấn Ken Yeang

CNN đã trao đổi với Ken Yeang, kiến trúc sư và cũng là nhà sinh thái học, nguyên lý thiết Read more

Đèn điểm – SCHOTT

Loại đèn này có một tính năng đặc biệt cho phép đèn diode (LED) có thể bố trí và phát Read more

Tác động của những hiển thị tổng hợp cỡ lớn đến Kiến Trúc và Đô Thị

Những phát triển trong công nghệ hiển thị và vật liệu xây dựng đang dẫn đến những hình thức kiến Read more